Uống Đủ Nước Mỗi Ngày Giúp Ổn Định Huyết Áp

Nếu cơ thể bị mất nước trong thời gian dài có thể làm tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Do đó, uống đủ nước mỗi ngày rất quan trọng để ổn định huyết áp.

Mất nước ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Mất nước là tình trạng xảy ra khi lượng nước được nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước thải ra.

Sự mất cân bằng nước sẽ dẫn đến phá vỡ sự cân bằng của nồng độ muối (natri), khoáng chất và lượng đường trong máu, làm cản trở các hoạt động thường ngày và gây hại cho cơ thể.

Natri là một khoáng chất thiết yếu cơ thể nhận được từ muối, có hai vai trò quan trọng đối với huyết áp. Một là giúp uy trì sự cân bằng nước hợp lý để các hệ thống của cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng (cân bằng nội môi). Hai là giúp co bóp và thư giãn các cơ khắp cơ thể, bao gồm cả các cơ trong mạch máu.

Khi nồng độ natri cao bất thường (tăng natri máu) hoặc thấp bất thường (hạ natri máu), các chức năng này có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Ngay cả khi nồng độ natri bị ảnh hưởng ở mức độ khiêm tốn, vẫn có thể gây ra những hậu quả đáng kể.

Khi cơ thể bị mất nước, lượng nước trong máu sẽ giảm xuống, làm nồng độ natri gia tăng. Sự gia tăng natri sẽ khiến cơ thể tiết ra một loại hormone gọi là vasopressin có tác dụng ngăn thận thải nước qua nước tiểu, từ đó ngăn ngừa mất nước. Tuy nhiên, vasopressin gây co (thu hẹp) mạch máu, do đó làm tăng huyết áp, đôi khi tăng đột ngột.

Mặc dù còn thiếu các nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của tình trạng mất nước đến bệnh cao huyết áp, nhưng các nghiên cứu trên động vật do Đại học Monash, Melbourne, Úc thực hiện đã báo cáo rằng tình trạng mất nước mạn tính không chỉ làm tình trạng huyết áp cao ở chuột trở nên trầm trọng hơn mà còn làm tăng nguy cơ tổn thương thận nghiêm trọng.

Một trong những lý do chính gây ra tình trạng mất nước là không uống đủ nước hoặc không bổ sung đủ lượng nước bị mất qua mồ hôi, đi tiểu nhiều, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Cách uống nước để ổn định huyết áp

Cung cấp đủ nước cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:

  • Ổn định huyết áp.
  • Duy trì sự cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, bao gồm cả natri.
  • Cải thiện việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến tế bào.
  • Điều hòa nhiệt độ cơ thể.
  • Hỗ trợ tiêu hóa.
  • Ngăn ngừa táo bón.
  • Loại bỏ vi khuẩn và độc tố từ thận và bàng quang…

Theo hướng dẫn chung, trong điều kiện bình thường, mỗi ngày mỗi người cần cung cấp 40ml nước/kg trọng lượng. Tuy nhiên, lượng nước cần thiết còn phụ thuộc vào độ tuổi, chế độ ăn uống, sức khỏe nói chung, mức độ hoạt động thể chất và một số loại thuốc bạn dùng (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu).

Nguyên tắc uống nước cần nhớ là:

  • Uống nước khi khát
  • Khi hết khát thì dừng lại.
  • Trong điều kiện khí hậu nóng bức hay tập thể dục, hãy đảm bảo uống đủ nước để bù lại lượng nước đã mất.

Ngoài ra, khi uống nước, bạn nên chú ý uống từ từ từng ngụm nhỏ; nên uống nhiều vào buổi sáng, giảm dần vào buổi tối và để đảm bảo đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể bạn cũng có thể uống khi không cảm thấy khát…

Uống nước không phải là cách điều trị huyết áp cao nhưng có thể giúp bạn ổn định huyết áp. Để giúp bạn uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, ngoài nước lọc, bạn có thể uống thêm nước ép củ cải đường, nước ép cà chua, nước ép lựu, nước ép nam việt quất, sữa ít béo, trà…

Đồ uống cần hạn chế để ổn định huyết áp

Nếu bạn bị huyết áp cao, tốt nhất nên tránh hoặc hạn chế đồ uống có đường và những đồ uống có nhiều caffeine, bao gồm:

– Đồ uống thể thao: Những đồ uống này có nhiều đường và có thể thúc đẩy tăng cân, góp phần gây tăng huyết áp. Đồ uống thể thao chỉ được khuyến cáo để thay thế chất điện giải bị mất do đổ mồ hôi hoặc nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng.

– Đồ uống chứa caffein: Caffeine là một chất kích thích có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp nên cần hạn chế uống để ổn định huyết áp.

Không nên sử dụng đồ uống chứa caffein để ổn định huyết áp.

– Nước tăng lực: Nước tăng lực khác với nước uống thể thao ở chỗ chúng không thay thế chất điện giải. Những đồ uống này có hàm lượng caffeine cao, không nên lạm dụng nhằm giữ ổn định huyết áp.

– Rượu: Uống nhiều hơn ba ly trong một lần có thể tạm thời làm tăng huyết áp. Uống rượu say nhiều lần có thể dẫn đến tăng huyết áp lâu dài. Nguyên nhân có thể do giảm sản xuất oxit nitơ mà cơ thể sử dụng để làm giãn (mở rộng) mạch máu.

Những lựa chọn lối sống khác giúp ổn định huyết áp

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo các biện pháp sau không chỉ giúp ích cho những người bị tăng huyết áp mà còn có thể ngăn ngừa phát triển bệnh ở những người có huyết áp bình thường:

– Ăn một chế độ ăn có lợi cho tim: Điều này bao gồm việc ăn nhiều loại thực phẩm giàu kali, chất xơ và protein đồng thời giảm lượng muối và chất béo bão hòa.

– Đạt được và duy trì cân nặng lý tưởng: Mức cân nặng lý tưởng được thiết lập dựa trên chỉ số BMI của cơ thể. Với người Châu Á, chỉ số BMI ở mức từ 18,5 đến 22,9 là bình thường. Nếu dưới 18,5 là thiếu cân (gầy) và từ 23 trở lên là thừa cân.

– Hoạt động thể chất giúp ổn định huyết áp: Người trưởng thành nên tập thể dục với cường độ vừa phải tối thiểu 150 phút mỗi tuần (hoặc khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần). Điều này có thể bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe.

– Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc sẽ làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và gây mất cân bằng hormone, bao gồm cả những hormone điều hòa huyết áp. Hầu hết người lớn được khuyên nên ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm.

– Giảm lượng rượu uống: Rượu có thể làm tăng đáng kể huyết áp. Nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày, trong khi nữ giới nên hạn chế uống không quá một ly mỗi ngày.

– Ngừng hút thuốc: Khói thuốc lá gây co thắt mạch máu, góp phần gây ra bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Cho dù bạn đã hút thuốc bao nhiêu năm thì việc dừng lại ở mọi lứa tuổi đều có thể giúp đảo ngược nhiều tác hại.

Ngủ đủ giấc là một trong những lối sống lành mạnh giúp ổn định huyết áp.

Nguồn: Sức Khỏe và Đời Sống

Bài viết liên quan