Dân Chung Cư Không Rửa Bát, Nhịn Tắm Trong Khủng Hoảng Nước

Đã mấy ngày nay, gia đình chị Hoa ở Khu đô thị Thanh Hà phải dùng màng bọc thực phẩm quấn bát, đũa trước khi ăn để khỏi phải rửa bát do cắt nước dài hạn.

“Ăn xong tôi tháo màng bọc bỏ đi, bát đũa vẫn sạch nhưng không biết có thể cầm cự đến bao giờ bởi đâu thể quấn nilon vào nồi, chảo trước khi nấu”, chị Hoa, 40 tuổi, nói.

Chị Thanh Hoa sử dụng màng bọc thực phẩm để quấn bát, đũa trước khi ăn, nhằm tái sử dụng nhiều lần trong thời gian mất nước, hôm 15/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, nơi gia đình chị Hoa sống có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 cư dân. Từ đầu tháng 10, nhiều người tại đây phản ánh nước sinh hoạt có mùi thuốc tẩy, gây dị ứng da. Hôm 10/10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng amoni trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà giải thích nguồn cung không đủ, bình thường nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đuống cấp khoảng 2.000 m3, giờ chỉ được 700 m3 một ngày đêm. Do vậy, công ty đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan 1.000 m3 lên 3.000 m3 một ngày đêm. Vì lưu lượng thay đổi, đồng thời phải bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh.

Ngày 14/10, đơn vị dừng cấp nước từ nguồn khai thác ngầm. Hàng chục nghìn cư dân không còn nước sinh hoạt.

Kể từ khi cắt nước, cuộc sống của gia đình chị Hoa đảo lộn. Với lượng nước ít ỏi hứng được nhờ xếp hàng chờ suốt đêm, 5 thành viên trong gia đình được quy định chỉ dùng một ca nhỏ cho nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, người mẹ ngoài 70 tuổi bị bệnh về đường tiêu hóa, liên tục cần nước để dội nhà vệ sinh. Chị Hoa phải xin nghỉ làm hôm 16/10 để xuống xếp hàng chờ xe chở nước.

Người dân tại Khu đô thị Thanh Hà đổ xô ra lấy nước từ xe bồn, sáng 16/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Thanh Bình (36 tuổi) cũng phải thực hiện các quy định hà khắc với vợ con. Ba xô nước loại 20 lít hứng từ xe bồn được sử dụng để đánh răng, rửa mặt, sau tích lại dội nhà vệ sinh; nước rửa rau giữ lại lau nhà và tưới cây; nước thải từ điều hòa dùng để rửa bát. Bốn người trong nhà mấy ngày nay không tắm, sử dụng giấy ướt để lau người. “Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ đưa các con sang nhà người quen ở quận Thanh Xuân tắm nhờ”, anh Bình nói.

Hơn một ngày chờ đợi trong vô vọng, sáng 16/10, anh Đức Hùng (30 tuổi) mua 5 can lớn loại 20 lít, sang nhà người thân cách 3 km để xin nước sạch. Mỗi lượt anh chở được bốn can, sau 5 chuyến tạm đủ cho một ngày.

“Tôi trả tiền mua nước sạch nhưng nhiều lần phát hiện nước có mùi, nhiễm bẩn. Đã phản ánh mong cải thiện chất lượng nhưng không được, giờ đến nước bẩn cũng bị cắt. Sống thủ đô mà nhếch nhác, khổ sở hơn vùng sâu, vùng xa”, anh Hùng nói.

Ông Phan Minh Châu, tổ trưởng Tổ dân phố số 4 thuộc Khu đô thị Thanh Hà, cho biết cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch từ 19h ngày 14/10. “Có nhà đã về quê, số khác tỏa ra khắp nơi xin nước. Người già xuống sân xếp hàng chờ xe bồn, thanh niên mang can, thùng đến nhà người thân, thậm chí ra UBND xã để xin nước”, ông Châu nói.

Để khắc phục tạm thời, tối 15/10, nhiều hộ dân sinh sống tại 23 tòa trong Khu đô thị cùng góp tiền mua nước sinh hoạt về sử dụng.

Gia đình anh Vũ Ngọc Quyết cùng 5 hộ dân ở thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai có bể chứa nước sạch chưa sử dụng nên quyết định tặng cho người cần. Khối lượng một lần có thể cung cấp hơn 10 m3. Muốn lấy thêm chỉ cần chờ 5-10 phút xả, nước lại đầy bể. Sau khi anh thông báo trên mạng xã hội, nhiều cư dân tại Khu đô thị đã liên hệ xin nước về dùng.

“Tôi không ngại việc cho nước, mối bận tâm duy nhất là bể nước cách khu đô thị hơn 3 km, nếu mọi người gọi xe bồn đến lấy sẽ đỡ cực hơn”, anh Quyết nói.

Nhưng không phải mọi hộ dân đều có thể đi xa để xin nước. Với chị Thanh Hoa, gia đình không có ôtô mỗi lần chỉ xách được hai bình 20 lít, tốn nhiều thời gian, công sức nên đành bỏ. Người phụ nữ 40 tuổi cũng từng tính thuê khách sạn nhưng trong bán kính 4 km không có dịch vụ lưu trú nào, trong khi con cái đều học trong khu đô thị nên cố bám trụ.

“Cả gia đình tôi giờ trông chờ vào nguồn nước cấp lại cho tòa nhà, mong sớm yên ổn cuộc sống”, chị Hoa nói.

Chiều tối 16/10, tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết nước đã được bơm vào các bể chứa ngầm nhưng “rất nhỏ giọt, sợ không thể bơm lên từng tầng”. “Với số nước được bơm như hiện tại, chẳng biết bao giờ mới đầy bể, trong khi số cư dân xuống sảnh chầu trực chờ xe nước sạch ngày một tăng”, ông Châu nói.

Nguồn: VnExpress

  • Công Ty Cổ Phần Tập đoàn Zila Vietnam
  • Địa chỉ: Liên Bạt – Ứng Hoà – Hà Nội
  • Hotline: 0866 177 269
  • Email: CSKH@Zila.vn
Bài viết liên quan